Liên minh HTX Việt Nam và các tỉnh

Nhập nhằng xuất xứ nông sản khiến HTX lao đao

Không hiếm mặt hàng nông sản của các HTX bị giả mạo xuất xứ với một số nông sản cùng loại nhưng có nguồn gốc từ nước ngoài. Điều này không chỉ khiến các HTX thiệt hại về kinh tế, mất lòng tin với người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng đến cả thương hiệu của các ngành hàng nông sản.

Mới đây, một số HTX trồng rau hữu cơ ở Kim Bôi (Hòa Bình) đã phải lên tiếng cảnh báo người tiêu dùng trước thực trạng có một số trang mạng giả mạo dưa chuột nếp hữu cơ PGS. Bởi loại nông sản này dù đã hết vụ từ giữa tháng 4 (dưa chuột nếp mỗi năm có 2 vụ ngắn, mỗi vụ kéo dài khoảng 15-20 ngày) nhưng đến gần giữa tháng 5 vẫn còn một số trang mạng rao bán với giá 35.000 đồng/kg.

Khó kiểm soát nếu xuất qua trung gian

Tình trạng trên được cho là vì nhiều người đã nhập nhằng thương hiệu để bán nông sản Trung Quốc với giá ngang bằng hoặc chỉ thấp hơn một ít so với nông sản cùng loại của người dân, HTX trong nước. Và thực trạng này không chỉ diễn ra đối với quả dưa chuột nếp của các HTX trồng rau hữu cơ ở Kim Bôi mà còn với nhiều loại nông sản khác như thanh trà, dâu tây, khoai tây…

Đối với người tiêu dùng, rất ít người có thể "thông thái" để nhận biết, phân biệt được xuất xứ của các loại nông sản cùng loại. Tình trạng này vô tình khiến việc giả mạo thương hiệu, nguồn gốc nông sản nội và ngoài tiếp tục diễn ra.

Theo các chuyên gia, điều này được cho là từ chính sách mở cửa cho nông sản của các nước ASEAN dẫn đến thị trường trái cây nhiệt đới thêm sôi động, nhưng qua đó cũng có những vấn đề xảy ra nếu không được kiểm soát chặt chẽ.

Đặc biệt, dù nhiều loại nông sản của Việt Nam gắn với các địa danh cụ thể như dâu tây Mộc Châu, rau Đà Lạt,… nhưng vẫn khó cạnh tranh với nông sản cùng loại của Trung Quốc. Nguyên nhân là vì Trung Quốc vốn là nước rất nhanh nhạy về thị trường. Họ thấy bất kỳ sản phẩm nào được người tiêu dùng ưa chuộng, có ưu thế ở Việt Nam đều có kế hoạch sản xuất, trồng trọt cụ thể như: xoài, sầu riêng, thanh long, chanh leo…