Liên minh HTX Việt Nam và các tỉnh

HTX ra đời, tồn tại và phát triển trước hết là do mong muốn của người dân. Nhà nước khuyến khích và ủng hộ mong muốn đó. Thành viên tham gia HTX để có lợi ích cao hơn, để sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn, để cải thiện cuộc sống của mình. Như vậy, HTX có vai trò kinh tế, xã hội rất quan trọng, đặc biệt với những người nông dân, những người yếu thế hơn ở khu vực nông nghiệp và nông thôn.

Một trong những nguyên tắc quan trọng nhất của HTX là đề cao tính tự lực cánh sinh của người dân. Vì vậy, HTX cũng còn được gọi là tổ chức mang tính tự trợ giúp của người dân. HTX là tổ chức kinh tế tự chủ. Người dân góp vốn thành lập HTX, tham gia HTX vì thấy đây là “sân chơi” phù hợp với họ theo cơ chế thị trường. Họ có thể tự chịu trách nhiệm, tự quản lý HTX của mình theo hướng mà họ mong muốn, để đem lại lợi ích cho họ và phải phù hợp quy định pháp luật.

Nhà nước hay chính quyền không tham gia góp vốn vào HTX mà chỉ thực hiện chức năng quản lý nhà nước. Và quản lý nhà nước không chỉ là quản lý cho chặt chẽ, không để vi phạm lợi ích quốc gia, vi phạm lợi ích xã hội, cộng đồng hay vi phạm khác,… Mà quản lý nhà nước hiểu cho đúng và đầy đủ là còn phải đề cao và khuyến khích tinh thần “tự lực cánh sinh” của HTX, là phải kích thích, khơi dậy các tiềm năng để HTX phát triển. 

Quản lý HTX như thế nào?

Nói một cách khác, Nhà nước, chính quyền tôn trọng và bảo hộ sự tự chủ, tự chịu trách nhiệm của HTX. Nhà nước thực hiện quản lý nhà nước đối với HTX giống như quản lý nhà nước đối với các tổ chức kinh tế khác, các loại hình doanh nghiệp khác trong nền kinh tế quốc dân. Theo đó, quản lý nhà nước trước hết là quản lý theo ngành nghề kinh tế. Mỗi lĩnh vực kinh doanh, đặc biệt những lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, cần có sự quản lý nhà nước, có sự giám sát, thanh tra của các Bộ, cơ quan chuyên ngành.